Một trong những “kẻ thù” rất lớn ngăn cản mỗi chúng ta trưởng thành, giỏi giang hơn chính là “cái tôi quá lớn” của chúng ta.
Cứ mỗi lần phát biểu mà ý kiến mình không được ghi nhận là khó chịu, dỗi hờn, lần sau không muốn nói nữa.
Làm việc ở công ty thì trong đầu cứ đánh giá hay phán xét đồng nghiệp, cấp trên là cái này chưa được, cái kia chưa ổn.
Hợp tác với ai thì cứ nghĩ mình "tay trên" người khác, mấy đứa còn lại chỉ suy nghĩ vớ vẩn, dở hơi.
Đó chính là “cái tôi quá lớn”.
![]() |
Cái tôi quá lớn! |
Thực ra “cái tôi” không xấu, ngược lại nó là một thứ đặc biệt của bạn, nó phân biệt bạn với những người khác. Ai cũng có quyền có “cái tôi” của mình, có quyền thể hiện chính kiến của bản thân qua “cái tôi” ấy.
Nhưng “cái tôi quá lớn” lại là chuyện khác.
Khi chúng ta không biết điểm dừng, không biết mình là ai, không biết mình đang ở đâu, cứ ngang ngược xem thường người khác, cứ nhất nhất bảo thủ với những hiểu biết của mình, thì lúc đó, chúng ta đang ngăn chính mình đạt được những thành quả lớn hơn trong cuộc đời.
Thế "cái tôi quá lớn" ấy do đâu mà có?
Đơn giản thôi. Đó là do sự thiếu hiểu biết, thiếu trải nghiệm.
Khi ở trong cái nồi, thì coi trời bằng cái nắp vung.
Khi ở đáy giếng thì coi miệng giếng là cả bầu trời.
Hiểu biết ít, trải nghiệm ít, thì ảo tưởng nhiều, từ đó cái tôi càng lớn hơn.
Lẩn quẩn trong những giới hạn của chính mình, không cho phép bản thân “mở đầu ra” để đón nhận những điều mới, hay chiêm nghiệm điều cũ theo một cách mới hơn thì chúng ta khó lòng đi xa.
Bởi thế, người ta có câu "càng học càng thấy mình ngu", không có nghĩa là học nhiều đâm ra ngu hơn, mà càng học càng thấy thế giới ngoài kia mênh mông quá, mình chẳng là gì.
Vì vậy, bí quyết để "chữa bệnh" không ngu bền vững và hạ "cái tôi quá lớn" chỉ đơn giản là: Đi xa hơn - Học nhiều hơn!.